Vì sao thầy thuốc Đông y ít người giàu?
Bác sĩ (BS) Đông y cũng 6 năm học hành bài bản. Thế nhưng, ra đời thì lại khác. BS Tây y có nhiều cơ hội để khám bệnh ngoài giờ tăng thu nhập. BS Đông y và các lương y (nhiều lúc) phải tới tận nhà bệnh nhân châm cứu, điều trị, rón rén lấy 50-70 nghìn đồng tiền công là đã thấy tội người bệnh, nhất là những gia đình còn khó khăn.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao thầy thuốc Đông y ít người giàu? Dưới đây là câu trả lời qua email của những người “trong cuộc”.
Quy luật kinh tế thị trường
Nói đến nghề thầy thuốc, xã hội ta vẫn hay nói “Lương y như từ mẫu”. Mà đã là từ mẫu thì mẹ nào lại nỡ “chặt chém” con mình. Do đó, dù Đông hay Tây y, thầy thuốc có tấm lòng vì người bệnh không thể giàu lên được. Lấy phí thấp hoặc miễn phí, thậm chí giúp đỡ thêm cho người bệnh thì lấy đâu
ra giàu?
Về mặt pháp luật, nước ta vẫn tồn tại song song 2 hệ thống Đông y và Tây y. Tuy nhiên, thực tế, từ cách nhìn của những người làm chính sách, của xã hội cho đến đa số người bệnh, Đông y hầu như vẫn ở vị thế “bổ sung” hoặc “thay thế” chứ không được xem là điều trị chính thống như Tây y.
Hiện nay, dù chưa thấy khảo sát nào đề cập, chúng ta dễ nhận thấy đồng tiền đổ vào khám, chữa bệnh theo Tây y lớn hơn nhiều so với Đông y. Nhiều người giàu lên và họ sẵn sàng chi phí rất lớn cho sức khỏe và tin rằng Tây y - với nghiên cứu khoa học đầy đủ và phương tiện thuốc men dồi dào - điều trị sẽ nhanh chóng và hiệu quả. Trong khi đó, đến với Đông y phần lớn là người nghèo và trung lưu. Một số đến với Đông y chỉ sau khi trị Tây y không khỏi. Nhiều người còn chưa biết hoặc không tin vào kết quả điều trị của Đông y.
Đông y nghèo, Tây y giàu có nhiều lý do. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho chính sách, cũng không hẳn do BS Đông y kém cỏi gì mà phần lớn do hệ quả của xã hội công nghiệp và quy luật kinh tế thị trường.
(Lương y Võ Hà, hiện ở TP. Hồ Chí Minh, tác giả cuốn Chữa bệnh không dùng thuốc -NXB Phương Đông, 2008)
Y học là Y đạo
Tôi biết có những BS Tây y, Đông y vẫn tận tụy đến tận nhà bệnh nhân khám, chữa bệnh mà lấy giá phải chăng, đây không phải truyền thống cổ xưa mà theo mô thức “BS gia đình” khá hiện đại của Mỹ.
Riêng về thầy thuốc Đông y thì cũng cần phân biệt. Có BS Đông y học 6 năm mới ra trường, có BS đa khoa khi ra trường rồi mới xin học thêm vài năm chuyên khoa Đông y, có y sĩ y học dân tộc học chuyên tu 3 - 4 năm thành BS Đông y…
Giới lương y thì đa dạng hơn: có người học vài năm chính quy ở các trường trung cấp, có người học gia truyền rồi theo các lớp bồi dưỡng hoặc chuẩn hóa để được cấp giấy hành nghề, có người chỉ học một số kinh nghiệm gia truyền hay thuốc dân tộc rồi công khai hoặc lén lút hành nghề mà không có giấy phép... Vì vậy, nhiều khi họ lấy tiền công tỷ lệ thuận theo vốn đầu tư học nghề và mức sống của các thân chủ.
Người học Đông y chân chính xưa nay thường có ít nhiều nghiên cứu và thực hành về Đạo học (Nho, Lão, Phật...), nắm lý luận âm dương, biết sợ luật nhân quả, không xem y học như một kỹ thuật chữa bệnh đơn thuần mà như một thứ tôn giáo rất nhân văn, gọi là Y đạo (Hải Thượng Lãn Ông: “Y đạo năng cùng lý/ Vong cơ khả định Thiền”, tôi tạm dịch: Đạo Y học đến tột cùng/ Soi lòng vắng lặng, chứng thông lẽ Thiền), có những quy luật bất thành văn chi phối mọi hoạt động sống, trong đó có cả việc tính giá trị hành nghề... nên phần lớn họ ít “chặt chém” hơn chăng?
Riêng tôi, sau 2 năm tham gia hoạt động từ thiện tại 2 cơ sở Tuệ Tĩnh đường (châm cứu bốc thuốc nam chữa bệnh hoàn toàn miễn phí) ở Hòa Vang, thấy công việc và người bệnh có thể cho mình rất nhiều niềm vui, kinh nghiệm quý báu..., mà có lẽ tiền bạc không thể nào thay thế được. Vì vậy, một số đồng sự cùng tôi dự định từ Rằm tháng 2 Nhâm Thìn (7-3-2012) này sẽ mở tiếp một cơ sở nữa, hoạt động mỗi tuần 5 buổi sáng tại Trung tâm Kế thừa ứng dụng Y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh (trực thuộc Hội Dược liệu TP. Đà Nẵng) ở địa chỉ K90/H6/9 Nguyễn Nhàn, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.
(Lương y Phan Công Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cây thuốc quý - Hội Dược liệu Việt Nam - Tổng Thư ký Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng)
VIÊN PHÚC QUÂN (thực hiện)