Móng tay, móng chân
Ngoài việc làm tăng thêm vẻ đẹp cho những ngón tay ngón chân, móng còn là một thứ vũ khí để tự vệ, tấn công cào cấu, để gãi cho đã những cơn ngứa trên da, để bảo vệ đầu ngón tay ngón chân khỏi thương tích, đồng thời cũng có thể là chỉ dấu báo hiệu một vài khó khăn bệnh tật của cơ thể, khi cấu trúc của móng thay đổi..
Móng mọc trực tiếp từ biểu bì (epidermis) và được cấu tạo bởi nhiều lớp chất đạm cứng như sừng gọi là keratin. Keratin cũng là thành phần căn bản của tóc và lớp ngoài cùng của da.
Móng không có tế bào sống và mọc ra từ một nhóm tế bào đặc biệt gọi là gian bào (matrix) có nhiều mạch máu, nằm dưới quầng móng (lunular). Quầng móng hình bán nguyệt, mầu trắng nhìn rất rõ ở ngón tay cái. Khi lớp gian bào bị hư hao thì móng không mọc ra được.
Khác với xương, calcium không có ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của móng.
Vào tháng thứ tư của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu có móng trên đầu ngón chân ngón tay. Móng tăng trưởng liên tục suốt đời người chứ không giống như tóc, mọc ít năm, tạm ngưng một thời gian rồi mọc tiếp.
Sau đây là các đặc tính của sự mọc móng:
- Móng mọc hướng ra đầu ngón tay, ngón chân, chứ không mọc thẳng đứng như tóc. Nguyên do là có một lớp da bao quanh chân móng, khiến cho sự tăng trưởng giới hạn hướng về phía trước.
- Mỗi ngày móng tay dài ra khoảng 0,1mm tức là từ 3 đến 5 mm mỗi tháng. Móng tay mọc nhanh hơn móng chân tới 2 hoặc 3 lần.
- Móng mọc chậm ở cao tuổi, mọc nhanh hơn ở phụ nữ có thai, nam giới và người tuổi trẻ.
- Móng ở ngón tay dài mọc nhanh hơn hơn là ngón ngắn, có thể vì dễ bị chấn thương. Do đó móng ngón tay giữa mọc nhanh, trong khi đó móng ngón tay cái mọc chậm.
- Móng mọc nhanh ở bàn tay thuận, hay dùng, vì máu huyết dồn tới nhiều.
- Vào mùa hạ, móng mọc nhanh hơn so với mùa đông, vì mùa hạ tay chân cử động nhiều, máu tới nhiều
- Các chấn thương nhỏ vào móng, như cắn móng, kích thích móng mau lành, nên móng mọc dài ra nhanh hơn, tương tự như khi liên tục bị cọ xát, da sẽ tạo ra lớp tế bào chai rắn.
- Suy dinh dưỡng, nóng sốt, bệnh trầm trọng trì hoãn sự tăng trưởng của móng.
- Móng mọc nhanh ở người bị bệnh cường tuyến giáp.
- Ban ngày, móng mọc mau hơn ban đêm vì tay chân luôn cử động, máu tới nhiều
- Ngón tay gõ trên bàn phím máy vi tính, máy chữ, phím đàn dương cầm đều kích thích móng mọc nhanh.
Trái với điều mà một số người tin tưởng, khi chết móng không còn mọc. Thực ra, lớp da ở chân móng co lại nên móng nom có vẻ hơi dài ra.
Các thay đổi bất thường của móng
Cả móng tay lẫn móng chân đều chịu ảnh hưởng của sức khỏe tổng quát cơ thể. Mọi thay đổi bất thường đáng kể nào về hình dạng, mầu sắc, cấu trúc của móng đều có thể là dấu hiệu một bệnh nào đó. Trước khi giải phẫu, bác sĩ thường yêu cầu chùi hết thuốc đánh bóng trên móng tay để nhân viên tê mê có thể nhìn mầu da dưới móng tay coi xem bệnh nhân có hít thở đầy đủ dưỡng khí không.
1. Móng giòn, dễ gẫy là một trong những vấn đề thường gặp của móng. Có nhiều nguyên nhân đưa tới sự giòn của móng:
a- Cơ thể thiếu khoáng chất sắt. Kết quả một nghiên cứu tại Anh cho thấy móng tay rất nhậy cảm với sự suy giảm chất sắt. Họ quan sát móng của một số phụ nữ thiếu sắt, móng của các phụ nữ này rất dễ gẫy, hồng cầu giảm. Sau khi bổ sung sắt, thì các móng đều trở lại bình thường với đủ thành phần sắt trong móng và số huyết cầu cũng tăng lên.
Thiếu sắt cũng gây ra thay đổi hình dạng của móng: móng trở nên phẳng hoặc có hình cong ngược lên, như một cái thìa (spoon nails).
b- Móng tay phẳng, dẹp là một trong nhiều dấu hiệu của bệnh Raynaud. Trong bệnh này, các động mạch ngón tay không biết tại sao lại có phản ứng co thắt quá mức với lạnh, cảm xúc mạnh, rung động liên tiếp của bàn hai tay, dưới tác dụng của hóa chất nicotine... Hậu quả là các ngón tay bị những cơn xanh tái, tê tê rất khó chịu vì giảm máu lưu thông.
c- Móng tay tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, chất hòa tan, sơn móng tay...cũng dễ trở nên giòn, gẫy.
d- Trong các bệnh của thận, bệnh nấm móng, móng cũng hay bị giòn.
2. Vết trắng trên móng có thể là dấu hiệu thiếu kẽm vì thực phẩm không cung cấp đầy đủ. Nhu cầu kẽm mỗi ngày khoảng 15mg.
Trong bệnh gan hoặc bệnh thân, móng cũng có mầu trắng.
3. Móng tay mầu vàng có thể là dấu hiệu của viêm phế quản kinh niên, và thường thấy ở người nghiền thuốc lá.
4. Nhiều rãnh nằm ngang trên mặt móng có thể là dấu hiệu của một bệnh trầm trọng với nóng sốt hoặc người đó đã trải qua một cuộc giải phẫu.
5. Trong bệnh xơ cứng gan, móng có mầu trắng đục, thay vì mầu hồng của các mạch máu nẳm ở dưới móng.
6. Móng có mầu xanh trong trường hợp cơ thể trúng độc kim loại đồng hoặc bạc.
7. Cường tuyến giáp có thể làm móng tách khỏi lớp da ở dưới.
8. Cơ thể thiếu dưỡng khí lâu ngày vì các bệnh tim, phổi có thể làm cho móng tỏe phình ra.
9. Hội chứng móng tay vàng”- Yellow nail syndrome- là một bệnh gồm có ba dấu hiệu xuất hiện với nhau. Ðó là tụ nước ở màng phổi, móng tay có mầu vàng và sưng phù các hạch bạch huyết ở chân tay.
10. Hội chứng móng tay - xương bánh chè (nail-patella syndrome) là một bệnh bẩm sinh.
Trẻ có rối loạn chức năng thận, móng tay móng chân kém phát triển hoặc không có, xương bánh chè đổi hình dạng...
11. Một số dược phẩm làm thay đổi mầu của móng. Thuốc quinacrine trị sốt rét làm móng có mầu xanh vàng, thuốc tetracycline, phenothiazine làm móng có mầu nâu, thuốc chặn sự tăng sinh các tế bào ung thư tạo ra các vệt trắng nằm ngang trên mặt móng....
12. Móng tách rời khỏi da do ảnh hưởng của tia nắng ở những người đang điều trị với một vài loại dược phẩm như tetracycline, isoniazid, indomethacin..
Các thay đổi này cần phải được bác sĩ chuyên khoa xem xét và đưa ra kết luận có bệnh hay không.
Các bệnh của móng
Móng có thể bị một số bệnh gây ra do các tác nhân từ trong hoặc ngoài cơ thể.
1. Mặc dù móng do chất keratin cứng tạo ra, nhưng khi ngâm móng vào nước quá lâu, móng trở nên giòn. Lý do là móng có những lỗ nhỏ li ti, nên nước ngấm qua móng nhanh hơn là qua biểu bì. Nước làm cho móng căng tấy ra. Khi được mang ra khỏi nước, móng khô và teo lại. Trường hợp này thường thấy ở người làm bếp nấu ăn, bơi lội, đánh bắt cá, rửa chén bát...
Mỹ phẩm làm bóng móng và chất hòa tan lau sơn móng cũng làm móng giòn, nứt, dễ gẫy.
2. Bệnh nấm móng rất phổ biến và cũng khó chữa lành. Bào tử nấm bám trên móng, hủy hoại lớp keratin và sinh sôi nẩy nở rất nhanh. Móng trở nên gồ ghề, dầy, nứt, đôi khi tách rời khỏi đầu ngón tay.
Các loại thuốc bôi thoa đều ít công hiệu để tiêu diệt nấm. Loại thuốc uống (như itraconazole, terbinafine) có tác dụng tốt.. Bệnh nấm có thể tái phát.
Bệnh nấm móng chân thường xảy ra khi đi chân đất ở nơi công cộng hoặc do chân ẩm ướt, hấp hơi. Nấm gây bệnh thông thường nhất là nhóm Trichophyton rubrun.
3. Móng mọc vào da (ingrown toenail) thường xẩy ra ở ngón chân cái. Mép của móng cong lại và mọc lẹm vào phần mềm quanh móng, gây ra đau đầu ngón chân.
Bệnh thường xẩy ra khi giầy quá chật, ép cạnh móng lẹm vào tế ở xung quanh, khi mang giày cao gót, đi trên đầu ngón chân, hoặc khi cắt móng quá sát da...Nhiễm vi khuẩn có thể xẩy ra nếu không điều trị ngay. Trong trường hợp nhẹ, có thể tự chữa bằng cách ngâm chân trong nước ấm khoảng 30 phút rồi nâng nhẹ cạnh móng lên, lau chùi mủ và nếu có thể được, cắt móng. Khi móng đâm ngang nhiều hơn và đã làm mủ, nên đi bác sĩ để được cắt bớt một phần móng hư và cạo bỏ phần da nhiễm độc.
4. Nhiễm độc chung quanh móng do các vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Proteus.. Bệnh có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh (như cephalexin, clindamycin...) và phẫu thuật loại bỏ mủ tích tụ quanh móng.
5. Trong bệnh vẩy nến, bệnh rụng tóc từng vùng (alopecia areata), móng có mầu đục, biến dạng, gồ ghề rất khó điều trị...
Gìn giữ móng
Bệnh của móng có thể phục hồi sau khi điều trị nhưng móng mọc lại rất chậm. Cho nên chăm sóc, bảo vệ móng, tránh hư hao là điều cần lưu ý. Chăm sóc móng cũng là cả một nghệ thuật vì thực hiện không đúng cách hoặc quá đáng đều có thể gây tổn thương cho móng. Ðiều rất quan trọng trước hết là không nên cắn móng tay hoặc làm điều gì có thể gây tổn thương cho móng. Chỉ với một vết thương nhỏ cũng khiến vi khuẩn có thể xâm nhập và đựa tới nhiễm trùng móng. Vì vậy, cần mang bao tay khi làm công việc có thể va chạm mạnh tới móng.
Tránh để móng tiếp xúc trực tiếp và quá lâu với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, dầu nhớt Các chất này rất dễ dàng làm thay đổi cấu trúc, hình dạng và mầu sắc của móng. Mang bao tay cao su để bảo vệ móng khi phải làm việc với các chất này.
Mỗi tuần cắt móng tay một lần. Móng chân nên cắt thẳng bằng mặt, mỗi tháng một lần vì móng nơi đây mọc chậm hơn móng tay. Khi móng quá cứng và giòn, nên cắt sau khi tắm hoặc ngâm móng trong nước, vì lúc này móng tương đối mềm hơn. Dùng kéo hoặc kìm cắt móng thật sắc và nhỏ để cắt, rồi giũa cạnh cho nhẵn, để giảm thiểu tổn thương cho móng. Nếu thích để móng tay dài, nên tránh bụi bậm tích tụ dưới móng và cẩn thận khi làm việc để móng khỏi gẫy.
Lớp da bao quanh móng có nhiệm vụ bảo vệ móng khỏi bị nhiễm độc. Nhiều người khích lệ cắt gọt da này để mặt móng bằng phẳng, nom đẹp hơn. Nhưng các nhà chuyên môn bệnh bì phu lại khuyên là không nên cắt, trừ trường hợp da bị xước hay lật ngược. Trước khi cắt, nên ngâm tay trong nước ấm cho da mềm rồi cắt sát tận gốc với kéo sắc. Đừng lấy tay giựt đứt da này vì làm như vậy là ta đã mở đường cho vi khuẩn xâm nhập móng, gây nhiễm độc.
Sử dụng mỹ phẩm đúng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Loại mỹ phẩm sơn màu và làm bóng móng đều giống nhau và chỉ có mục đích thẩm mỹ, trông cho đẹp chứ không nuôi dưỡng cho móng tốt được. Cũng nên lưu ý rằng, không có hóa chất hoặc dược phẩm nào có thể thoa bôi để “nuôi dưỡng” móng, ngoại trừ việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc móng chu đáo. Không nên dùng thuốc rửa móng có chất acétone quá thường vì hóa chất này làm móng khô giòn, yếu, dễ gấy.
Phong trào gắn móng tay giả rất phổ biến. Tuy vậy móng giả cũng có thể gây ra một số điều bất lợi. Khi gắn móng giả vào mà không lau chùi sạch thì vi trùng hay nấm độc có thể sinh sản ở giữa hai lớp móng và làm hư móng thiên nhiên. Ngoài ra, khi móng tự nhiên mọc ra, sẽ có một khoảng trống giữa hai lớp móng và vi khuẩn có thể xâm nhập vào đây.
Khi đi tiệm để được chăm sóc móng, nên lưu ý nhân viên dùng dụng cụ sạch sẽ, áp dụng kỹ thuật cắt giũa cẩn thận để tránh tổn thương và nhiễm trùng cho móng.
Ngoài ra, cũng nên lưu ý rằng tại một số tiệm làm móng không trang bị hệ thống thanh lọc không khí, nhất là nơi gắn móng tay giả, không khí có thể bị ô nhiễm hóa chất và có thể gây ra hậu quả không tốt cho sức khỏe. Các hóa chất thường dùng là formaldehyde để làm móng chắc; chất éthyl méthacrylate làm keo gắn móng giả; acétone để chùi rửa thuốc sơn bóng móng. Hóa chất xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp khi ta hít thở không khí, ngấm qua da, hoặc vô ý, ta nuốt vào miệng. Tùy theo thời gian tiếp xúc với hóa chất, đường xâm nhập, số lượng và loại hóa chất mà ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau. Bụi và hơi hóa chất vào mắt làm mắt ngứa, chảy nước, sưng, thị lực bị tạm thời suy yếu. Khi vào mũi, cuống họng, phổi, hóa chất gây nghẹt mũi, đau cuống họng, nghẹt thở, ho, nặng ngực, khó thở, đôi khi lên cơn hen suyễn. Tiếp xúc quá lâu với hóa chất liên hệ tới móng có thể gây nhức đầu chóng mặt, ói mửa
Kết luận
Coi như vậy, ta thấy muốn có bàn tay đẹp với những chiếc móng nhọn thon, trơn nhẵn, mang mầu tươi mát không phải dễ gì.
Trang điểm, làm đẹp bao giờ cũng tỉ mỉ, công phu, nhưng cũng là điều đáng khích lệ, nên làm.
Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức, Texas-Hoa Kỳ.